Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Đồng thời cũng nhấn mạnh tới sự nỗ lực thích ứng và chuyển đổi của toàn ngành để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn tiếp theo, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, những thách thức thậm chí sẽ còn lớn hơn nữa khi sẽ có những ảnh hưởng mang tính lâu dài chưa thể đo đếm được, đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, cảm xúc của học sinh.
Gửi lời cảm ơn tới tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đã quan tâm, chăm lo, chia sẻ, chung tay, hỗ trợ với ngành Giáo dục trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, những câu hỏi đặt ra trong phiên chất vấn, sẽ giúp ngành Giáo dục thấy rõ hơn, rõ thêm những việc cần làm, để từ đó, làm tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ứng phó với dịch bệnh cho thấy nhiều việc cần phải làm tốt hơn
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nhất với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là việc triển khai dạy học trực tuyến trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh và giải pháp lâu dài của ngành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Trả lời cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn thừa nhận những khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến, bởi với quy mô, tính chất triển khai hình thức này trong 2 năm qua là chưa có tiền lệ. Bộ trưởng đồng thời chia sẻ những giải pháp mà Bộ GDĐT đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua như ban hành hướng dẫn dạy và học theo từng cấp học, trong đó quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2; ban hành chương trình dạy học cốt lõi để dù hình thức học tập nào học sinh cũng đảm bảo kiến thức; hướng dẫn kiểm tra, đánh giá trong điều kiện học sinh có thể đến trường, chưa thể đến trường học trực tiếp; triển khai các biện pháp hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn để đảm bảo công bằng trong học tập; củng cố, tăng cường kho học liệu số, bài giảng điện tử, bài giảng qua truyền hình…
Để đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến một cách đầy đủ, Bộ trưởng cho rằng cần có điều tra, khảo sát, song với nhiều thách thức, dạy học trực tuyến khó có thể có chất lượng như dạy học trực tiếp. Do đó, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn để khi học sinh quay trở lại trường sẽ được bổ sung, tăng cường kiến thức; việc đánh giá kiểm tra khi học sinh quay trở lại trường cũng sẽ được thực hiện trên tinh thần không gấp gáp, không gây căng thẳng cho học sinh.
Nhìn nhận về giai đoạn khó khăn vừa qua, trong đó có bài học kinh nghiệm trong dạy và học trực tuyến, Bộ trưởng khẳng định: Qua ứng phó với dịch bệnh, điều đáng mừng là nhìn ra được sức mạnh, niềm tin được củng cố từ sự hy sinh, tận tụy, nhiệt thành của đội ngũ giáo viên. Trong gian khó của dịch bệnh, dạy học trực tuyến được nhiều thầy cô triển khai sáng tạo, tận tâm. Bộ GDĐT cũng rất cố gắng, trách nhiệm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, qua dịch bệnh những thấy nhiều việc cần phải làm tốt hơn.
Đó là phải tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách. Khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cả hệ thống cần phải làm tốt hơn nữa. Trong việc ban hành chính sách cần quan tâm đến tính đặc thù vùng miền, để sát thực hơn với thực tiễn. Hạ tầng của ngành Giáo dục cần phải được tăng cường. Kỹ năng của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh, đặc biệt là năng lực tự học của học sinh cần phải được quan tâm nhiều hơn…
Từ giai đoạn ứng phó tạm thời như hiện nay, về lâu dài, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số sẽ là một trong những đột phá chiến lược của ngành. Trong đó, rất cần những giải pháp tổng thể để hình thành nền tảng đồng bộ đủ lớn, bền vững mang tính quốc gia. Ngay sau dịch bệnh, Bộ GDĐT sẽ có đánh giá sâu hơn, pháp chế hóa một số văn bản mang tính chất tạm thời. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng kho học liệu đủ lớn để việc dạy học trực tuyến đảm bảo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm tới nguồn lực con người cho chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Không vì một vài “hạt sạn” mà nghi ngờ một chủ trương, quyết tâm lớn
Bên cạnh dạy học ứng phó với dịch bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó, tập trung vào giải pháp nhằm nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa; việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới, môn học đặc thù…
Trả lời về những nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo nội dung Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó lần đầu tiên chương trình được coi là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo.
“Để đánh giá được cả chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ qua việc triển khai ở lớp 1 là chưa nói được thật nhiều, nhưng đó là một dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới mà chúng ta đã chọn. Không vì một vài “hạt sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương, một quyết tâm rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành Giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đang chỉnh sửa Thông tư 33, trong đó chủ trương là không đợi các tác giả, các nhà xuất bản mang bản mẫu đến rồi tổ chức thẩm định, mà Bộ GDĐT sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. Yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, các nhà khoa học tham gia biên soạn sách và tiêu chuẩn của các thành viên trong hội đồng thẩm định cũng sẽ được điều chỉnh.
Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp lớp 6 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng thông tin: Bộ GDĐT đã có hướng dẫn đối với các cơ sở giáo dục về cách thức sắp xếp sao cho hiệu quả; ngoài ra, trong quá trình triển khai chương trình mới, Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên cốt cán về nội dung này. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp để việc triển khai dạy học các môn tích hợp đạt hiệu quả, trong đó vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải được phát huy hơn nữa.
Chấm dứt Văn mẫu, đổi mới dạy học Lịch sử
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời một số câu hỏi của cử tri liên quan đến giải pháp chấm dứt Văn mẫu và đổi mới dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông. Trong đó, sẽ bao gồm những giải pháp tổng thể từ biên soạn học liệu, đến tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá… Theo Bộ trưởng, đây là những việc lớn, chuyên môn sâu và cần thời gian lâu dài, nhưng sẽ được ngành Giáo dục triển khai trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến về một số nội dung khác được đại biểu quan tâm như phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; công tác tuyển sinh đại học; việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; mở ngành đào tạo khối sức khỏe; đổi mới công tác quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu về tự chủ đại học; dạy thêm học thêm; thừa thiếu giáo viên; chế độ phụ cấp cho giáo viên vùng khó khăn…
Với nhóm câu hỏi chất vấn liên quan đến giải pháp phát triển giáo dục miền núi, Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều giải pháp phải tính đến, trong đó cần có các chính sách để hỗ trợ nhiều hơn nữa là, đưa các cháu đến trường nhiều hơn và đúng độ tuổi. Cùng với đó là các giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, bố trí trường lớp hợp lý; hỗ trợ bữa ăn bán trú; tăng cường vai trò các trường bán trú, dân tộc nội trú như một trong những giải pháp để đưa các cháu đến trường.
Về giải pháp để học sinh, sinh viên sớm được trở lại trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường an toàn. Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản vừa hướng dẫn chuyên môn, vừa định hướng về quan điểm mở cửa trường học. Đối với các đơn vị như xã phường đang là vùng xanh, vùng an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu trở lại trường. Hiện nay, phần nhiều các địa phương đang xử lý theo quy mô quận, huyện, nhưng có thể mạnh mẽ hơn để mở cửa trường học theo cấp xã, phường đối với đối tượng học sinh mầm non và tiểu học.
Trao đổi về cơ chế hỗ trợ cho giáo viên và cơ sở giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ trưởng thông tin, dịch bệnh đã khiến hệ thống giáo dục mầm non, đặc biệt là tư thục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc làm và có khoảng 1,2 triệu cháu nguy cơ không có chỗ học. Trước khó khăn này, Bộ GDĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục, với trị giá hơn 800 tỷ đồng.